Giới thiệu chung
Xã Tắc Vân được thành lập theo Quyết định số 94-HĐBT ngày 30/8/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, sáp nhập thị trấn Tắc Vân của huyện Cà Mau vào thị xã Cà Mau, thành xã Tắc Vân, thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải, nay là thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Xã Tắc Vân là cửa ngõ của thành phố Cà Mau, nơi giáp ranh giữa 02 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; có quốc lộ 1A và Kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu xuyên qua. Diện tích tự nhiên là 559,72 ha; phía Đông, giáp huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu; phía Tây giáp xã Tân Thành; phía Nam giáp xã Định Bình, thành phố Cà Mau; phía Bắc giáp thị xã Gía Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Xã Tắc Vân hiện có ấp 1, 2, 3, 4. Các địa danh của Tắc Vân: Công trôl, Sông Đình Ông Cọp, sông Cầu Đúc, kinh Cây Dương, Kinh Xáng Cống, Kinh Xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kinh Khu Vực VI, kinh Hàng Gòn, Rạch Ổ Ó, Lung Xéo, Lung Sen, Cua Chệt Hậu. Dân số Tắc Vân hiện nay là 11.420 người với 2.978 hộ, gồm ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Xã có 02 điểm chợ trung tâm, 01 bến tàu liên huyện. Cơ cấu kinh tế của xã có: 75% hộ sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 25% số hộ nuôi trồng thủy sản; số còn lại lao động tự do.
Về tôn giáo, Tắc Vân có Đạo Phật chiếm 41,80% dân số; Kitô giáo chiếm 2,25%; Tin Lành chiếm 1,21%; các tôn giáo khác 0,19 %.
Địa giới hành chính, xã Tắc Vân thay đổi rất nhiều lần: Thời xa xưa, xã Tắc Vân thuộc “xã Cà Mau”. Năm 1808, dưới thời vua Gia Long, xã Cà Mau được nâng lên thành huyện Long Xuyên. Sau khi xâm chiếm nước ta, ngày 18/12/1882, thực dân Pháp thành lập tỉnh Bạc Liêu, đến năm 1904, tỉnh Bạc Liêu có 03 quận: Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi và Cà Mau, xã Tắc Vân thuộc quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1918, quận Giá Rai được thành lập gồm các làng: Làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Mỹ, Long Điền, Phong Thạnh, Phong Thạnh Tây, An Trạch, Định Thành; xã Tắc Vân thuộc làng Định Thành, quận Giá Rai.
Ngày 09/3/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Cà Mau. Ngày 22/10/1956, tỉnh Cà Mau được đổi tên thành tỉnh An Xuyên, xã Tắc Vân là thị trấn Tắc Vân, thuộc quận lỵ Quản Long, tỉnh An Xuyên[1]. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng không gọi tỉnh An Xuyên mà gọi tỉnh Cà Mau, bí danh U1, thị xã Cà Mau, bí danh Bảy Đô, thị trấn Tắc Vân bí danh Bảy Tắc thuộc thị xã Cà Mau[2].
Năm 1959, Tỉnh ủy quyết định thành lập huyện Châu Thành, bí danh Bảy Châu, đến tháng 4/1962 giải thể. Ngày 03/3/1963, huyện Châu Thành được tái lập, thị trấn Tắc Vân thuộc huyện Châu Thành. Ngày 11/7/1977, huyện Châu Thành giải thể, thị trấn Tắc Vân thuộc huyện Giá Rai. Ngày 29/12/1978, theo Quyết định số 326/CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Cà Mau được thành lập, thị trấn Tắc Vân thuộc huyện Cà Mau. Ngày 30/8/1983, huyện Cà Mau giải thể, thị trấn Tắc Vân thành xã Tắc Vân, thuộc thị xã Cà Mau, tức thành phố Cà Mau cho đến nay.
Thuở xưa, cư dân đến vùng đất Tắc Vân chịu nhiều khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, khốn khổ; phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mới có cơm ăn, áo mặc. Đã là chốn thủy tận, sơn cùng, trong kiếp đời tha phương, cầu thực, do cùng cảnh ngộ, cùng ý chí, nguyện vọng nên mọi người đều hết lòng yêu thương, đùm bọc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; cùng nhau chiến đấu chống thiên nhiên, thú dữ và bọn cướp đất, cướp lúa, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
.